Giới thiệu về xã Điện Quang thuộc vùng đất Gò Nổi

Xã Điện Quang thuộc vùng Gò nổi của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, gọi là Gò nổi bởi vì chung quanh xã được bao bọc bởi hai nhánh sông trước và sông sau của dòng sông Thu Bồn.

Vùng đất này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được so sánh “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. (Tức là so sánh sự khốc liệt và lòng dũng cảm, kiên cường đánh giặc của nhân dân Gò Nổi).

Xã Điện Quang - Điện Bàn Quảng Nam
Xã Điện Quang – Điện Bàn Quảng Nam

Diện tích toàn xã hiện nay là 1.465 ha. Trong đó diện tích đất canh tác 662 ha. Bình quân 1 nhân khẩu 500m2, dân số toàn xã có 2.096 hộ, 10.685 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 215 đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ. Trong đó có 11 chi bộ thôn.

Cơ cấu kinh tế của Điện Quang chủ yếu là nông nghiệp chiến 70%, CN – TM – DV chiếm 30%. Trên địa bàn xã hiện nay có 1 Công ty dệt lụa tơ tằm, 1 công ty chế biến hải sản xuất khẩu, 1 công ty chế biến ớt Hàn Quốc xuất khẩu. Cổng chào xã Điện Quang Điện Quang là một vùng đất giàu truyền thống hiếu học.

Trước cách mạng tháng 8/1945 nhiều người Điện Quang học rất giỏi và đỗ đạt cao. Rất nhiều người đã đỗ đạt ở Điện Quang không phải vì con nhà giàu mà nhờ lòng ham học, chịu khó kết hợp với sự thông minh vốn có.

Chỉ riêng thôn Bảo An một trong 11 thôn của xã Điện Quang dưới thời nhà Nguyễn đã có 26 tú tài, 16 cử nhân, 2 phó bảng, tiêu biểu trong giai đoạn này xã Điện Quang có Tiến sĩ Phạm Tuấn là một trong Ngũ Phụng Tề Phi của Quảng Nam.

Ba anh em nhà Hoàng Diệu, Hoàng Kim Thám, Hoàn Kim Bảng đây là dòng dõi một nhà, khoa trước đỗ, khoa sau cũng đỗ.

Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu
Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu

Cụ Trần Cao Vân là bật kỳ tài thâm thông nho học. Cụ Phan Thành Tài nhà tân học đầu tiên của đất Quảng Nam, cụ Lê Đình Dương và em ruột là Lê Đình Thám cùng học với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường quốc học Huế.

Trước khi Bác Hồ vào Phan Thiết dạy học Bác Hồ đã ghé về Điện Quang để thăm cụ Lê Đình Dương. Điện Quang không chỉ là vùng đất hiếu học mà còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Một xã mà có đến 2 người kế tiếp nhau làm Tổng đốc thành Hà Nội đó là cụ Hoàng Diệu và Lê Đình Đĩnh.

Một xã có 2 anh em ruột mới học chưa hết bậc thành chung, sống chưa đầy 40 tuổi nhưng đã là chiến sĩ cộng sản, những trí thức cách mạng kiệt xuất đó là Phan Thanh, Phan Bôi. Một xã có 3 vị Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đó là bà Lê Thị Xuyến, ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) và ông Phan Thao. Một xã mà đầu thế kỷ 20 đã có 3 nhà báo cự phách hoạt động ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam đó là: nhà báo Lương Khắc Ninh, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi và nhà thơ nữ sỹ Hằng Phương. Một xã có 2 nhà toán học hàng đầu Việt Nam được giới toán học thế giới đánh giá cao, cả hai đều từng đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện toán học Việt Nam.

Đó là giáo sư Hoàng Tuỵ và Ngô Việt Trung Điện Quang còn quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Thị Bình sau đó Bà là Phó chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thường trực Ban Bí thư TW Đảng Cộng Sản Việt Nam Phan Diễn. Nhà tổ chức tài ba, sắc sảo của Đảng cụ Phan Triêm.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Quang là một trong những căn cứ địa của cách mạng cho nên địch đã tập trung đánh phá hết sức khốc liệt. Chúng đã nhiều lần dùng B52 và chất độc hoá học rải thảm, cày ủi, xúc tác biến Điện Quang thành vùng đất trắng. Chúng đã gây ra nhiều vụ thảm sát đẫm máu, dã man.

Điển hình là vụ thảm sát ở chợ Chương Dương vào năm 1946 làm trên 400 đồng bào ta thiệt mạng, vụ thảm sát 30 người dân vô tội ở làng Phi Phú vào năm 1966, ngoài ra có hàng chục đồng bào, đồng chí bị chúng mổ bụng ăn gan, nhưng nhân dân Điện Quang vẫn kiên cường bám đất, đánh giặc giữ làng.

Kết thúc chiến tranh xã Điện Quang đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 115 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, 5 anh hùng LLVT nhân dân, 1.165 liệt sỹ, 312 Thương bệnh binh.

Sau ngày đất nước thống nhất nhân dân từ các khu dồn, các thành phố trở về quê để hàn gắn vết thương chiến tranh với biết bao bộn bề gian khó. Từ đôi bàn tay trắng với những đói rét, thiếu ăn, nhưng nhân dân Điện Quang đã kiên trì khai hoang, phục hoá, tháo gở bom mìn, san lấp hố bom, cải tạo đồng ruộng quy hoạch nhà ở, đường giao thông.

Ngày nay Điện Quang ánh điện đã đến mọi nhà, sáng trên từng đường làng và ra đến bãi biền để làm thuỷ lợi, trên 40 km đường bê tông rộng 3m chạy khắp thôn, xóm. Trường học các cấp, trạm y tế được xây dựng khang trang và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Gò Nổi
Gò Nổi Ngày Nay

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, 90% nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, 100% hộ được dùng điện, dùng nước sạch, 98% hộ có phương tiện nghe nhìn, bình quân 5 hộ có 1 máy điện thoại. Đặc biệt nhà ở các gia đình chính sách đến nay 100% đã được đầu tư xây dựng kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,7% theo chuẩn mới.

Những thành quả mà nhân dân xã Điện Quang đạt được ngày hôm qua mới chỉ là bước đầu. Trước mắt còn phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Chúng tôi mong muốn quí cấp lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân và bà con quê hương tiếp tục theo dõi chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ để Điện Quang tiếp tục phát triển và giàu mạnh.

Bạn thấy bài viết này hay chứ?

Hãy để lại đánh giá 5 sao để kích lệ chúng tôi

Average rating 5 / 5. Vote count: 2

No votes so far! Be the first to rate this post.

Cảm ơn bạn đã đánh giá bài viết

Theo dõi Techmart Việt Nam trên các mạng xã hội khác