Ngũ phụng tề phi là gì và gồm những ai
Quảng Nam là một trong những vùng đất có truyền thống học giỏi. Ngũ Phụng Tề Phi là câu chuyện về năm chàng trai cùng đỗ khoa bảng vào một khoa thi
MỤC LỤC
Ý nghĩa của Ngũ Phụng Tề Phi
Ngũ là 5, Phụng là chim phượng hoàng, Tề là cùng, Phi là bay. Theo đó, Ngũ Phụng Tề Phi là năm con phượng hoàng cùng bay. Năm con phượng hoàng ấy biểu trưng cho năm người trai xứ Quảng ra kinh đô Huế dự thi và 5 người cùng đỗ một lược.
Vì thế người ta thường nói: Đất Quảng Nam là đất Ngũ Phụng Tề Phi.
Câu chuyện Ngũ Phụng Tề Phi
Dưới triều Thành Thái năm thứ 10 (1898) vào năm Mậu Tuất kinh đô mở khoa thi. Quảng Nam có năm người ra kinh ứng thí. Cả năm người cùng đỗ trong khoa thi ấy: 3 đỗ tiến sĩ và 2 đỗ phó bảng.
Khoa thi năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X, triều đình Huế tuyển được 8 tiến sĩ (TS) cùng 9 phó bảng (PB). Trong tổng số 17 vị này, nếu phân định theo sinh quán thì: Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị – mỗi tỉnh có 1 người; Bắc Ninh và Thừa Thiên – mỗi nơi có 2 người; Nghệ An có 3 người; đặc biệt tỉnh Quảng Nam có tới 5 người đỗ đạt. Dân Quảng tôn vinh thành tích đáng quý kia bằng mấy chữ 五鳳齊飛 / ngũ phụng tề phi.
Bấy giờ Tổng Đốc Nam Ngãi là ông Đào Tấn và Đốc Học Quảng Nam là ông Trần Đình Phong thêu bức tranh 5 con phượng cùng bay tặng cho 5 vị tân khoa trong ngày bái tổ vinh quy về làng. Các cụ xưa kể rằng: Cờ được cắm 2 bên đường từ Ải Vân Quan đến từng làng của các tân khoa. Tấm gấm thêu Ngũ Phụng Tề Phi của quan Tổng Đốc Nam Ngãi và quan Đốc Học Quảng Nam tặng các tân khoa cầm đi trước.
Tên của năm vị đỗ khoa thi được vinh danh Ngũ Phụ Tề Phi
1. Tiến sĩ Phạm Liệu
Tự là Tăng Phố và Sư Giám. Sinh năm Quý Dậu 1873. Người làng Trừng Giang, tổng Hoà Đa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn.
Năm Giáp Ngọ 1894, thi đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân và lưu lại Huế học tiếng Pháp tại Tứ Dịch quán. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Đông Sơn rồi tri phủ Nga Sơn ở Thanh Hoá.
Năm Ất Tị 1905, làm chủ sự bộ Hình rồi chủ sự Quốc sử quán ở kinh đô. Năm Mậu Thân 1908, niên hiệu Duy Tân thứ II, làm tri huyện Phù Cát ở Bình Định. Năm Nhâm Tý 1912, làm viên ngoại phụ chánh Cơ mật viện, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Khoa thi TS năm Quý Sửu 1913, làm quan duyệt quyển cùng với Nguyễn Thiện Hành – biện lý bộ Học.
Hai năm sau, được thăng hàm Hồng lô tự khanh, làm phó chủ khảo trường thi Hương tại Nghệ An. Trải qua nhiều chức trọng quyền cao nơi triều chính, như tham tri bộ Công và tham tri bộ Lại, đến năm Kỷ Tị 1929 còn được bổ làm thượng thư bộ Binh.
Phạm Liệu về hưu tại quê nhà và mất ngày 21-11-1936 (Bính Tý).
2. Tiến sĩ Phan Quang
Tự là Quế Nam. Sinh năm Quý Dậu 1873. Người làng Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình; nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn. Là bạn đồng niên, đồng môn, đồng song, đồng khoa với TS Phạm Liệu: cùng học trường Đốc tại Quảng Nam, cùng đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ 1894 tại trường thi Thừa Thiên, cùng đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân năm Mậu Tuất 1898 rồi cùng lưu lại Huế luyện Pháp văn tại Tứ Dịch quán. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Lệ Thuỷ rồi tri huyện Bố Trạch ở Quảng Bình.
Sau nhiều năm làm quan luân chuyển qua các địa phương duyên hải miền Trung, đến năm Bính Dần 1926 được điều về kinh đô làm thị lang rồi tham tri bộ Hình. Ấy là lúc Bảo Đại vừa lên ngôi. Năm Canh Ngọ 1930, về hưu. Năm Kỷ Mão 1939, mất tại quê nhà.
3. Tiến sĩ Phạm Tuấn
Vốn tên Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn. Tự là Hỷ Thần. Hiệu là Văn Luân. Sinh năm Nhâm Tý 1852. Người làng Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Năm Mậu Dần 1878, niên hiệu Tự Đức XXXI, đỗ tú tài và năm kế tiếp đỗ cử nhân.
Năm Kỷ Hợi 1899, Phạm Tuấn được bổ làm thừa biện bộ Lễ. Năm Nhâm Thân 1902, làm thị giảng học sĩ. Năm Mậu Thân 1908, làm đốc học Hà Tĩnh, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Năm Quý Sửu 1913, về hưu, được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Năm Tân Tị 1917, tạ thế tại quê nhà.
4. Phó bảng Ngô Truân
Còn gọi Ngô Chuân, Ngô Trân và Ngô Lý. Chào đời năm Quý Dậu 1873. Quê làng Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình. Do gia cảnh bần hàn, cha lại mất sớm, nên phải cùng thân mẫu qua ngụ cư làng Cẩm Sa, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn.
Năm Giáp Ngọ 1894, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Kế đó, được bổ làm tri huyện Thạch Hà ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, chẳng may lâm trọng bệnh, Ngô Truân yểu tử lúc đương chức vào năm Kỷ Hợi 1899. Trong tập I Những con chim phụng đất Quảng (Hội Khuyến học Quảng Nam – Đà Nẵng ấn hành, 1992), nhà giáo ưu tú Huỳnh Trảng viết rằng Ngô Truân nguyên là học trò của hoàng giáp Phạm Như Xương (1844 – 1917) và Ngô Truân mất khi làm tri huyện Can Lộc ở Hà Tĩnh, được nha môn tẩm liệm tử tế, đoạn tức tốc đưa về làng Cẩm Sa để mai táng.
5. Phó bảng Dương Hiển Tiến
Sinh năm Bính Dần 1866. Người làng Cẩm Lậu (còn gọi Cẩm Lũ), tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn.
Năm Tân Mão 1891, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Năm 1907, Dương Hiển Tiến lâm bệnh thương hàn và mất ở quê nhà.
Nguồn bài viết: phanxipang.wordpress.com